Hình ảnh trang
PDF
ePub

LỜI GIỚI THIỆU

Như đã biết, vào khoảng gần cuối năm Canh Tý (1780), trong Phủ Chúa Trịnh xảy ra vụ án tranh đoạt ngôi, thường gọi “Vụ án năm Canh Tý.” Nguyên Trịnh Tông là con trưởng của Trịnh Sâm, do một Phi tần không được nhà Chúa để mắt tới sinh ra, nên đã 18 tuổi mà vẫn chưa được lập làm Thế tử. Trịnh Cán là con thứ của nhà Chúa, do ái phi Tuyên phi Đặng Thị Huệ sinh ra, lại rất được yêu mến. Vì vậy, Trịnh Tông lo sợ ngôi Chúa sẽ không đến tay mình, nên nhân lúc Trịnh Sâm ốm nặng, chuẩn bị lực lượng, đợi khi Chúa mất, sẽ giành lấy ngôi. Công việc chuẩn bị vừa xong thì Trịnh Sâm khỏi bệnh, sự việc bị phát giác. Trịnh Sâm sai trừng trị những người thuộc phe cánh của Trịnh Tông, và phế Trịnh Tông xuống làm con thứ.

Hai năm sau, vào năm Nhâm Dần (1782), Trịnh Sâm qua đời, kiêu binh trong thành bất bình với việc đã xảy ra trước đây, bèn nổi loạn, phế Trịnh Cán, đưa Trịnh Tông lên ngôi. Những người có liên quan ít nhiều đến vụ án năm Canh Tý hoặc bị giết, hoặc bị bắt giam, hoặc bị tịch thu gia sản... Ngô Thì Nhậm vì bị dư luận ghép cho đã dính líu vào vụ án năm đó, nên lo không bảo toàn tính mạng, vội vã chạy về quê người em của vợ cả ở am Lệ Trạch, xã Đội Trạch, trấn Sơn Nam (nay là Vũ Thư, Thái Bình) nương nhờ. Trong lúc cấp bách, ông chỉ đem theo được một số đồ dùng cá nhân và bộ Kinh Xuân Thu.

Danh giáo vinh phi nhục,

Văn chương lạc phủ ưu.

Tương tuỳ hà sở hữu?

Nhất bộ Lỗ Xuân Thu.

(Danh giáo là vinh, nào phải nhục,

Văn chương là vui, nào phải buồn.

Có gì đem theo bên mình đâu?
Chỉ một bộ Xuân Thu nước Lỗ).

(Thuỷ vân nhàn vịnh)

Nghĩ lại việc bôn ba vất vả ấy, ông thấy thật là một việc nực cười, khiến phải thốt ra bằng lời thơ: Hữu sở tiếu (Có điều nực cười): Giá ban nhẫm địa nhược tư hồ?

Trung hiếu phiên thành giá cá phu!
Tự hữu yên hà tàng Lãi khẩu;
Vị năng diên hống học Cù Tu.
Hám giao khắc thạch chân tàng ảo;

Kỵ hạc yêu tiền thực dã vu.

Mạn đạo Hoàng Đình truyền bất tử,

Truyền tâm đan dược hữu Xuân Thu.

(Sự việc sao lại đến bước này nhỉ?

Trung hiếu thành ra thế này đây!

Ẩn mình cửa Lãi, bạn cùng mây khói;

Muốn học luyện đan, chì và nước thuỷ có đâu.
Nhìn giao long khắc trên đá, thật mà lại ảo;
Cưỡi hạc, đeo tiền, thực mà cũng ra hoa hư.

Chớ nói Hoàng Đình truyền phép bất tử,
Sẵn có bộ Xuân Thu làm thuốc luyện đan).

(Thuỷ vân nhàn vịnh)

Trong gần năm năm trời (1782-1786) sống tại đây, Ngô Thì Nhậm suy ngẫm quãng đường làm quan đã qua của mình, cái được, cái mất, bước thăng, bước trầm... Tất cả những chiêm nghiệm đã qua được thể hiện trong lời bình bộ Kinh Xuân Thu mà ông đem theo. Ngô Thì Nhậm cho biết: “Ta khi gặp nạn, luôn luôn vất vả, phải lẩn tránh 5 năm trời. Nhân đem Kinh đó ra biên chép, đặt tên là Xuân Thu quản kiến, từ đầu chí cuối, ước tới vài mươi vạn lời..” (Xuân Thu quản kiến tự). Quả là một bộ sách đồ sộ, ông đã giành phần lớn thời gian sống ở đây để viết. Thời kỳ đầu, Ngô Thì Nhậm sống hoàn toàn vào sự trợ giúp của người em vợ là Đồng Lạc thị, về sau, tình hình đỡ căng thẳng hơn, ngoài thời gian soạn sách ra, ông còn dạy học, giúp thêm miếng cơm manh áo. Những khi thư việc Ngô Thì Nhậm còn thường đi thăm cảnh quanh vùng, làm thơ tiêu khiển, sau tập hợp thành tập Thuỷ vẫn nhàn

vịnh. Được ba năm, người vợ thứ tên là Hoàng Thị Yến từ Linh Đường xuống đây giúp ông công việc nội trợ. Bà mồ côi mẹ từ nhỏ, được một người họ Hoàng đưa vào trong cung làm con nuôi, đến tuổi cài trâm thì gả cho Ngô Thì Nhậm. Khi gặp tai biến bà mới ngoài 20 tuổi, phải nương tựa vào nhà Huy Cung phu nhân ở Linh Đường. Phu nhân thường thử rằng: “Tướng quân gặp nạn, chưa biết ngày nào mới trở về, vẻ đẹp son phấn e rằng khó có thể giữ nổi. Nếu đợi tướng quân thoát nạn, thì tình cảnh ly biệt này khổ không kể xiết. Ta muốn cải tiết cho nàng. Lời nói của ta cũng như lời nói của tướng quân vậy” Bà trả lời rằng: “Phu nhân hết lòng thương thiếp, thiếp đội ơn không bao giờ quên. Nghĩ rằng, thiếp được phụng thờ tướng quân, không ngờ gặp nạn mà vội cải giá, e rằng không hợp nghĩa chuyên nhất. Thiếp dù có chết cũng không bao giờ đi bước nữa” (Ngô gia thế phả). Sau đó bà đến nơi lánh nạn sống cùng với ông.

Bộ Kinh Xuân Thu, thực chất là bộ sử của nước Lỗ thời Xuân Thu, được Khổng Tử san đính, gồm 12 Công: Ẩn Công (11năm), Hoàn Công (18 năm), Trang Công (32 năm), Mẫn Công (2 năm), Hy Công (33 năm), Văn Công (18 năm), Tuyên Công (18 năm), Thành Công (18 năm), Tương Công (31 năm), Chiêu Công (32 năm), Định Công (18 năm), Ai Công (14 năm).

Tất cả từng lời trong Kinh đều được Ngô Thì Nhậm đưa ra bàn định. Bộ Kinh có in kèm những lời bàn hoặc nhận định của Tả truyện (tức là Truyện Xuân Thu của Tả Khâu Minh. Tả Khâu Minh làm quan Thái sử nước Lỗ, sống đồng thời với Khổng Tử, khi Khổng Tử san đính xong bộ Xuân Thu, Tả Khâu Minh chú giải và giải thích cho bộ kinh này, thường gọi là Tả Thị Xuân Thu, hay còn gọi là Tả truyện), Công Dương (tức Công Dương Cao, một văn thần sống vào cuối đời nhà Chu, soạn Công Dương truyện nói rõ ý của Kinh Xuân Thu), Cốc Lương (tức Cốc Lương Xích, người nước Tần, sống vào đời Chiến Quốc, soạn Cốc Lương truyện bình giải Kinh Xuân Thu) v.v... Những lời bàn trên dài ngắn khác nhau, trong Xuân Thu quản kiến, Ngô Thì Nhậm chỉ trích những câu cần bàn tới, khẳng định lại những lời bàn đúng, phê phán những lời bàn sai, hoặc chưa chính xác, theo quan điểm của ông. Sau đó ông đưa ra

nhận định của mình một cách cặn kẽ, đúng như tên bộ sách mà ông đã đặt: Xuân Thu quản kiến, tức là nhìn Kinh Xuân Thu qua chiếc ống nhỏ (quản kiến). Đại để là:

“Dựa vào lời Kinh, suy rộng ra chung quanh những lý lẽ phải trái xưa nay, thế nào là hợp đạo, thế nào là không hợp đạo, tự mình lý giải cho phân minh rõ ràng. Đi tìm điều học được là trung hiếu, và cũng từ đó mà hiểu cái nghĩa “Chí đã chuyên nhất thì động đến khí, khí đã chuyên nhất thì động đến chí,” thì cũng tìm được ở đó. Rất biết rằng: Việc phẩm bình non nước, sao thể thêm một chút gì cho trời đất? Nhưng nó có tác dụng giúp cho tự nhủ lòng mình, tự dạy môn đồ mình. Mong các bậc cao minh quân tử thấy mà hiệu chính cho. May ra không như là trò đùa của trẻ nhỏ bỏ đi mất qui mô to lớn của tập sách là được” (Xuân Thu quản kiến tự).

Đọc Xuân Thu quản kiến, ngay từ đầu đã thấy toát lên đạo học của nhà nho thời ấy qua những lời bàn. Ngô Thì Nhậm nói nhiều về vua Thiên tử nhà Chu. Nhà Chu thời Xuân Thu đã suy yếu, không còn giữ được địa vị bá chủ của mình, là vua Thiên tử, nhưng thực chất chỉ là bù nhìn. Các nước chư hầu, thực chất là các tập đoàn, là các dòng họ chia nhau quyền lợi mỗi người chiếm cứ một phương, không coi có vua nhà Chu. Họ chỉ dựa vào vua nhà Chu khi có việc cần thiết để bảo vệ quyền lợi cho mình. Ngô Thì Nhậm thương tiếc nhà Chu, muốn thiên hạ trở lại với thời vàng son của nhà Chu. Cho nên những lời bàn của ông phần nhiều theo hướng này. Ở đây, Ngô Thì Nhậm không trực tiếp nói đến hoàn cảnh lịch sử Việt Nam, nhưng đọc lời bàn, dường như ông đang gián tiếp nói đến một thực tế của nước ta khi ấy: Vua nhà Lê cũng chẳng khác gì vua nhà Chu thời Xuân Thu, cũng chỉ là vua bù nhìn, hư vị, quyền bính nằm trong tay Chúa Trịnh ở Đàng Ngoài, Chúa Nguyễn ở Đàng Trong. Và lúc này ở Đàng Trong, Chúa Nguyễn cũng đang bị chia xẻ quyền lực cho anh em nhà Tây Sơn Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ...

Đối với việc phế lập trong phủ Chúa Trịnh, qua lời bàn ở Xuân Thu quản kiến thấy rõ quan điểm của Ngô Thì Nhậm: “Có người nói, Củ và Bạch là con Hy Công, Bạch là em Củ là anh, Bạch thì lớn mà Củ thì bé... Bạch là con trưởng đáng được lập làm vua, Củ là em còn bé không

« TrướcTiếp tục »