H́nh ảnh trang
PDF
ePub

玉堂春嘯

NGỌC ĐƯỜNG XUÂN KHIẾU

Ngọc đường xuân khiếu hiện được tập hợp trong Tùng thư Ngô Gia văn phải với ba bản khác nhau. Tập thơ không nói rõ thời điểm sáng tác, chỉ viết “Tiến sĩ Thượng thư Hy Doãn công di thảo,”(Bản thảo để lại của ông Hy Doãn, đỗ Tiến sĩ, giữ chức Thượng thư), nhưng xét về nội dung thấy tập trung vào hai thời điểm chính sau đây:

-Viết dưới thời Lê Chiêu Thống: Sau khi lánh nạn từ vùng biển Thái Bình trở về và tham gia một số công việc cho triều đình.

-Viết đầu đời Tây Sơn: Thơ hoạ đáp gửi cho một số bạn bè, người thân và loạt bài viết khi đi sứ từ Yên Kinh trở về đến kinh đô Phú Xuân, mùa thu năm Quý Sửu 1793.

Như thế, xét về nội dung và kể cả dụng ý sắp xếp của soạn giả Tùng thư Ngô gia văn phái, đặt sau tập Thủy vân nhàn vịnh (sáng tác năm 1782 - 1786) thì có thể đoán được tập thơ này Ngô Thì Nhậm sáng tác vào khoảng từ cuối năm 1786 đến 1793.

Năm 1786, Tây Sơn ra Bắc diệt họ Trịnh trả lại toàn bộ quyền bính cho vua Lê. Do đề nghị của người em Ngô Thì Nhậm là Học Tốn (tức Ngô Thì Chí), triều đình cử người xuống Thái Bình đón Ngô Thì Nhậm về kinh. Về đến nơi thì vua Lê Hiển Tông đã qua đời (10 - 8 - 1786), Lê Chiêu Thống lên nối ngôi, trao cho Ngô Thì Nhậm chức Đô cấp sự trung bộ Hộ, rồi thăng Hiệu thư kiêm Toản tu Quốc sử. Sau khi Lê Chiêu Thống bỏ kinh sư chạy lên phía bắc (1788), Ngô Thì Nhậm ẩn tại huyện Thạch Thất (Hà Tây). Tháng 4 năm đó, Nguyễn Huệ ra Bắc, Ngô Thì Nhậm được Trần Văn Kỷ giới thiệu, Nguyễn Huệ phong cho ông chức Thị lang bộ Công. Sau chiến thắng Đống Đa, ông cùng Phan Huy Ích chịu trách nhiệm về ngoại giao. Tập Ngọc đường xuân khiếu được sáng tác trong giai đoạn này.. Mở đầu tập thơ là bài Văn thu tham thiền (Tham thiền vào buổi cuối thu), có câu: “Khuất chỉ phiêu bồng ký ngũ niên” (Bấm đốt ngón tay đã năm năm phiêu bạt), như vậy, bài thơ này làm sau khi từ vùng biển Thái Bình trở về vào cuối mùa thu năm 1786. Lại trong tập thơ có nhiều bài viết vào năm Đinh Mùi (1787), như Y Toái ngọc thể dụng song nhạn xuất quần cách, dữ Chế khoa Trần Bá Lãm soạn (Theo thể Toái ngọc dùng cách hai con nhạn bay ra khỏi đàn, soạn cho Chế khoa Trần Bá Lãm) và bài: “Nghĩ

đại Văn Giang môn sinh hạ sư tử cập đệ” (Viết thay môn sinh ở Văn Giang mừng con thày đỗ đại khoa), trong lời dẫn của bài thơ này Ngô Thì Nhậm nói: “Mùa xuân năm Đinh Mùi (1787) là năm đầu Thánh tiên tử lên ngôi, ban chiếu kén bậc hiền lương...” Năm này, Lê Chiêu Thống lên ngôi, mở Chế khoa, trong đó có Trần Bá Lãm người làng Vân Canh (ngoại thành Hà Nội) và Nguyễn Gia Cát người làng Vân Cầu huyện Văn Giang (nay thuộc tỉnh Hưng Yên) thi đỗ. Bài thơ và lời dẫn cho biết, Ngô Thì Nhậm là học trò của thân phụ Nguyễn Gia Cát, và chính Ngô Thì Nhậm được làm giám khảo cho khoa thi đặc biệt (Chế khoa) này. Lại bài: Đinh Mùi thu độ Khâm hà ngẫu thành “Lâm giang khúc” (Mùa thu năm Đinh Mùi (1787), qua sông Khâm tình cờ viết nên khúc “Lâm giang”). Vậy bài thơ này viết năm 1787.

Bài: Tại Kim Lan ký đệ Học Tốn thị (Ở Kim Lan gửi cho em là Học Tốn), Ký đệ Học Tốn thị (Gửi em Học Tốn) là hai bài Ngô Thì Nhậm viết khi Học Tốn còn sống, khoảng năm 1787, đầu năm 1788. Lại bài: Khốc đệ Học Tốn thị ( Khóc em Học Tốn) viết khi nghe tin Học Tốn ốm chết năm 1788. Lúc ấy Lê Chiêu Thống chạy trốn, Học Tốn đi theo đến Chí Linh, dâng Trung hưng sách, bày tỏ cách thức sửa đổi triều chính, khôi phục lại nhà Lê, rồi tình nguyện lên Lạng Sơn thuyết phục những tù trưởng, tin rằng sẽ thành công, vì cha ông là Ngô Thì Sĩ từng làm Đốc trấn Lạng Sơn, được dân địa phương mến phục. Nhưng Học Tốn đi đến vùng Phượng Nhỡn (Lạng Giang, Yên Dũng ngày nay) thì bị ốm, phải quay về Gia Bình (Gia Lương, Bắc Ninh ngày nay) chữa bệnh, không bao lâu, ông qua đời, khoảng tháng 8 năm 1788.

Bài Hoạ thân thúc công (Họa bài thơ ông chú ruột) và Ký Bảo Triệu Trần Hoàng giáp (Gửi ông Hoàng giáp họ Trần ở làng Bảo Triệu) đều là những bài sáng tác khoảng năm 1791 hoặc 1792, vì chú ruột Ngô Thì Nhậm là Ngô Tưởng Đạo mất năm 1792, còn Hoàng giáp họ Trần tức Trần Danh Án, khi vua Lê Chiêu Thống chạy sang phía bắc, bị ốm không theo được, nên phải quay về quê, giữ tấm lòng cô trung với nhà Lê, và mất

năm 1794.

Lại trong lời để dẫn cho bài Hoa quyến đệ Đồng Lạc thị (Hoạ bài thơ gửi em họ là Đồng Lạc), Ngô Thì Nhậm nói rõ rằng: “Khi gặp hoạn nạn, Đồng Lạc đã tận tâm nâng đỡ, nay trước khi đi sứ phương Bắc lại đem con gửi cậu.” Vậy bài thơ viết trước lúc Ngô Thì Nhậm giữ chức Chánh sứ sang nhà Thanh cầu phong cho Quang Toản năm 1793.

Còn ở giữa tập thơ chép một loạt bài vịnh cảnh trên đường từ Thăng Long vào Phú Xuân như: Thần Phù sơn vọng hải (Đứng trên núi Thần Phù ngắm biển), Đăng Bàn A sơn cảm hứng (Cảm hứng khi lên núi Bàn A), Nghệ An đạo trung (Trên đường Nghệ An), Ngụ Dinh Cầu muộn thuật (Thuật lại nỗi buồn khi nghỉ lại Dinh Cầu), Hoành Sơn đạo trung (Trên đường Hoành Sơn), Bố Chính đạo trung (Trên đường Bố Chính) v.v..., có thể những bài này Ngô Thì Nhậm sáng tác khi vào Phú Xuân yết kiến Quang Toản sau khi lĩnh chức Chánh sứ đi cầu phong trở về.

Còn về loạt bài viết khi đi sứ như: Quế Lâm, Yên Đài, Ô giảng phong nguyệt (Trăng gió Ô Giang), Thu dạ lữ đình (Đình lữ khách đêm thu), Thu hành (Đi trong mùa thu), Dịch lộ hiểu hành (Buổi sáng đi trên đường trạm)... thấy không có trong tập Hoàng hoa đồ phả của Ngô Thì Nhậm sáng tác khi đi sứ năm Quý Sửu 1793. Đọc kỹ từng bài mới rõ đây là những bài ông làm khi đi sứ trên đường về. Tập Hoàng hoa đồ phả là tập thơ vừa vẽ đường đi sứ từ Lạng Sơn đến Yên Kinh, vừa có thơ vịnh dưới mỗi cung đường hay thành quách, trạm dịch... đã vẽ. Như vậy, loạt bài làm khi trở về không thể ghi chung vào đây, vì Ngô Thì Nhậm không vẽ đường về. Chắc hẳn những bài sáng tác trên đường về ông đã chép vào tập riêng, và sau đó chép tiếp những bài trên đường từ Thăng Long vào Phú Xuân triều kiến Quang Toản sau khi đi sứ về. Bài Dịch lộ hiểu hành (Buổi sáng đi trên đường trạm), có câu:

Đẩu nam cung khuyết hồi đầu cận

Hán bắc quan san dẫn lộ trường.

(Cung khuyết phía nam Bắc Đẩu, ngoái đầu thấy đã gần;

Núi non phía bắc Ngân Hán, đường đi thấy đã xa thẳm). Thấy rõ tác giả đang trên đường về sắp tới quê nhà.

Trong lời đề tựa đầu tập Hoàng hoa đồ phả, cho biết thời gian đi về của đoàn sứ bộ: “Mùa xuân Quý Sửu (1793), là năm đầu Hoàng thượng lên ngôi, tôi phụng mệnh đi sứ cầu phong. Ngày 20 tháng 2 lên đường, ngày 27 qua cửa ải, ngày 8 tháng 5 đến Yên Kinh, ngày 20 tháng ấy về nước, tháng 9 mùa thu về đến kinh đô...” Như vậy những bài nói về mùa thu, cảnh thu trong loạt bài thơ đi sứ trên Ngô Thì Nhậm phải làm trên đường về:

Mai dịch thê lương đậu khách trình,

Bích ngô chi thượng báo thu thanh.

(Dặm đường đất khách, dừng chân nơi trạm mai lạnh lẽo,

Tiếng thu đã báo trên cành ngô đồng biếc xanh) (Thu dạ lữ đình)
Hay:

Tân thu dĩ kết mã đề sương...

Chinh bào ám đệ kim phong sáng (Mới đầu thu, sương đã kết trên móng ngựa..

Gió thu dìu dịu, ngầm thổi tới áo người đi xa) (Thu hành)

Tóm lại, tập Ngọc đường xuân khiếu chủ yếu chép những bài thơ Ngô Thì Nhậm sáng tác khoảng năm 1787 đến năm 1793. Loạt bài đầu tập thơ viết dưới thời Lê Chiêu Thống, tiếp theo là những bài viết dưới triều Tây Sơn: Trên đường đi sứ trở về từ Yên Kinh đến Phú Xuân.

Tập thơ hiện còn 3 dị bản đều chép trong tùng thư Ngô gia văn phái lưu trữ tại Thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm:

1.Bản có ký hiệu Thư viện VHv.16/3 khổ rộng 27x15cm, bìa cậy mầu cánh gián, giấy bản loại tốt đã ố vàng. Tờ đầu và tờ cuối tập sách đóng con dấu son khổ 2,5 x 2,5, với dòng chữ “Danh gia tàng bản,” là tập sách quý được “Thư viện gia đình” cất giữ. Sách để lề rộng, không đánh số trang, chữ viết bút lông, chân phương, có chấm câu bằng son. Cả sách 82 tờ, tờ 16 dòng, dòng 23 chữ. Tất cả những chữ “Ánh” “Thì”, “Hoa” đều viết kiêng huý bớt nét, nên sách được chép vào thời Tự Đức trở về sau. Toàn sách chép 4 tập thơ của Ngô Thì Nhậm:

Tờ la: Bút hải tùng đàm, 78 bài thơ.
Tờ 22: Thuỷ vân nhàn vịnh, 56 bài thơ.
Tờ 39a: Ngọc đường xuân khiếu, 74 bài thơ.
Tờ 62a: Cẩm đường nhàn thoại, 63 bài thơ.

Bản này được chép một cách có hệ thống, đầy đủ rõ ràng, ít sai sót hơn so với những bản khác, nên sử dụng làm bản nền để so sánh, khảo dị bổ sung cho cả 4 tập thơ của Ngô Thì Nhậm đã chép ở đây, trong đó có tập Ngọc đường xuân khiếu.

2.Bản ký hiệu Thư viện VHv.1743/22 gồm 84 tờ, tờ 16 dòng, dòng 23 chữ, viết bằng bút lông, chữ viết chân phương, có đôi chỗ viết theo lối đá thảo, có chấm câu và khuyên bằng son đỏ, giấy bản loại tốt, đã úa vàng, bìa đóng bằng giấy tây màu hồng nhạt, đóng gáy, mép sách bôi mực đỏ thẫm, mép trên chừa chỗ không bôi mực đỏ để ghi tên tác giả, mép dưới

« TrướcTiếp tục »